Không những thế Nhân sâm còn giúp cơ thể con người tăng khả năng thích nghi với các điều kiện bất lợi của môi trường sống như: nhiệt độ cao, thấp quá, bức xạ, khói độc, bụi bặm… Kích thích miễn dịch, tăng sức đề kháng đối với nhiều loại bệnh tật, giúp cơ thể chống stress.
Theo đông y, nhân sâm là loại thuốc có vị ngọt, hơi đắng, tính ôn (ấm). Nhân sâm có tác dụng đại bổ nguyên khí, ích huyết, sinh tân dịch, ích trí, làm sáng mắt, trừ tà khí, làm chậm lão hoá, tăng tuổi thọ. Dùng tốt cho người mới ốm dậy, thần kinh suy nhược liều dùng ngày 2–6g, có khi nhiều hơn (12–20g) tùy theo thể trạng của bệnh nhân nhưng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Cách dùng có thể sắc uống, chưng cách thuỷ hoặc hấp, ngâm rượu, tán bột hoặc ninh với các thực phẩm khác để ăn.
Khi sử dụng cần lưu ý chỉ nên sử dụng vào buổi sáng hoặc chiều vì nhân sâm làm tăng cường hoạt động của hệ tuần hoàn và hô hấp, tăng hưng phấn thần kinh, tăng sức lực, tăng khả năng lao động… Nếu dùng vào buổi tối sẽ gây khó ngủ cho người bệnh.
Đối với bệnh nhân: cảm sốt phong hàn, cảm mạo phong nhiệt, đau bụng tiêu chảy do trúng thực, do nhiễm thấp nhiệt, sốt xuất huyết, viêm gan cấp, viêm tuỵ cấp, viêm loét dạ dày – tá tràng, bị giãn phế quản, ho ra máu, người bị cao huyết áp, bị bệnh hệ thống miễn dịch (ban đỏ, mụn nhọt, việm khớp dạng thấp, da cứng…), thanh niên hay bị xuất tinh sớm, di tinh, phụ nữ đang mang thai, trẻ em dưới 14 tuổi đều không nên dùng nhân sâm.
Đông y khuyên rằng không nên sử dụng nhân sâm cho những người có thể trạng âm hư hoả vượng, âm hư nội nhiệt với các triệu chứng: người gầy, da khô, nóng, lòng bàn tay, bàn chân nóng, miệng khô khát nước, trong lòng phiền muộn, bứt rứt, mất ngủ, gò má đỏ, ra mồ hôi trộm, sốt hâm hấp vào buổi chiều, đại tiện táo, tiểu tiện vàng, chất lưỡi đỏ nhạt…