Sâm tươi, hồng sâm và bạch sâm
Nhân sâm được chế biến rất đa dạng, có thể cế thành các phương thuốc quý và nhiều món ăn bổ dưỡng phục vụ bữa ăn hàng ngày rất tốt cho sức khỏe vừa có tác dụng chữa bệnh. Nhân sâm bao gồm ba loại chính là nhân sâm tươi, hồng sâm và bạch sâm. Nhân sâm Geumsan được thu hoạch vào mùa Thu (tháng 9 -10), nên có hàm lượng saponin cao hơn các loại sâm trồng ở những vùng khác.
Nhân sâm tươi là loại sâm vừa được thu hoạch từ trong đất và để nguyên trạng thái tự nhiên vẫn còn dính một lớp đất mỏng trên mình củ. Giá trị của sâm tươi được tính theo thời gian sinh trưởng trong lòng đất: sâm 4 năm tuổi, 5 năm tuổi và 6 năm tuổi, sâm càng lâu năm càng quý giá. Có nhiều cách để dùng Sâm tươi như: ngâm rượu, xay nhỏ cho vào sữa, làm nước sâm, trà sâm, sâm tẩm mật ong, nấu gà tần sâm, làm bánh sâm…
Hồng sâm được chế biến từ nguyên liệu sâm tươi đã được lựa chọn kỹ về hình dáng và chất lượng, bằng cách cho vào nồi hấp trong khoảng 2h, cho tới khi thành phần nước chỉ còn dưới 14%, rồi đem sấy hoặc phơi khô. Khi khô, sâm có màu hồng nhạt, trong suốt, có mùi thơm, vị ngọt hơi đắng. Tùy theo hình dáng và chất lượng ruột, hồng sâm được phân thành thiên sâm, địa sâm, lương sâm. Hồng sâm khi đã được chế biến càng; sinh thêm nhiều chất bổ dưỡng nên được đánh giá tốt hơn nhân sâm tươi và tốt cho tất cả mọi người, mọi lứa tuổi.
Sâm tươi được lột một lớp vỏ mỏng, đem phơi khô dưới ánh nắng tự nhiên cho đến khi chỉ còn dưới 14% thành phần nước, hoặc nhúng củ sâm tươi vào nước sôi rồi tẩm đường vài ngày, phơi hoặc sấy khô; lúc đó vỏ sâm có màu trắng ngà hoặc trắng sữa nên được gọi là bạch sâm. Bạch sâm mềm, xốp, mùi thơm, vị ngọt; có thể bảo quản lâu dài. Tùy theo hình dáng, kích cỡ, thành phần mà bạch sâm được phân thành nhiều loại: bạch sâm củ khô, bạch sâm thân khô, bạch sâm rễ khô hay còn gọi là bạch sâm nguyên trạng, trực sâm, khúc sâm, bán khúc sâm…
Một số cách sử dụng nhân sâm thông dụng:
· Pha trà uống: Nhân sâm thái thành lát mỏng, mỗi lần dùng 1-2g, cho vào ấm, đổ nước sôi vào như là pha trà. Sau 5 phút có thể rót ra uống dần như trà. Có thể hãm vài lần như vậy, sau khi thấy mùi vị đã nhạt thì lấy bã ra nhai và nuốt dần.
* Sâm tán bột: Sâm sấy khô, tán mịn, mỗi lần dùng 1-2g, có thể dùng bột sâm pha nước uống hoặc uống trực tiếp bột sâm và chiêu bằng nước đã đun sôi.
* Ngậm tan: Sâm thái thành lát thật mỏng, mỗi lần ngậm một lát, cho đến khi mềm nát thì nuốt dần, ngày nuốt 3-4 lát.
* Sắc uống: Nhân sâm thái lát, mỗi ngày dùng 5-10g, sắc kỹ với nước, pha thêm 20-30g đường vào, chia thành nhiều lần uống và ăn cả cái. Trường hợp dùng để cấp cứu: tăng sâm lên 30-60g, sắc uống hết ngay trong một lần.
* Nấu cháo ăn: Nhân sâm 3g, thái lát, sắc kỹ một lúc với nước, sau đó cho thêm gạo và nước vào nấu thành cháo ăn.
* Sâm hấp trứng gà: Trứng gà 1 quả, khoét 1 lỗ nhỏ ở đỉnh, cho 1-2g bột nhân sâm vào, trộn đều. Lấy một miếng khăn giấy thấm nước cho ướt để dán kín lại rồi đem hấp chín. Mỗi ngày dùng 1 lần.
* Sâm hầm thịt gà: Dùng gà mái 1 con (gà chân đen càng tốt), làm sạch lông và tạp chất, mổ bụng cho 5-10g sâm thái lát vào rồi khâu kín lại; Hầm chín, ăn thịt, sâm và nước; mỗi tuần 1-2 lần.
Lưu ý không nên dùng nhân sâm sau bữa ăn và buổi tối. Chỉ nên sử dụng nhân sâm độc vị (sâm nguyên chất) khi đã được thầy thuốc bắt mạch kê đơn và hướng dẫn chi tiết. Và khi dùng nhân sâm cần đặc biệt chú ý không uống trà, ăn củ cải, đồ biển sau khi uống sâm. Bởi lẽ, củ cải và đồ biển đại hạ khí, còn nhân sâm đại bổ khí, hai thứ triệt tiêu lẫn nhau, gây hại cho người sử dụng.
Tag: nhân sâm tươi hàn quốc, nhân sâm tươi